- Thôi học đi mày. Ngày kia là thi môn cuối rồi – Tôi quay lại nói với Thảo.
- Thôi học đi. Cô cũng đang nhìn về phía mình rồi kìa. – Thảo nói.
Lớp tôi vui đùa khiến cả tầng 2 lúc nào cũng ồn ào. Những cuộc nói chuyện chẳng lúc nào ngớt với đủ thứ chủ đề trên trời dưới biển. Cuối tuần sinh hoạt, cô chủ nhiệm vẫn nói đuà: "2 mụ đàn bà và con vịt thành cái chợ. Còn đây, một lũ đàn bà như thế này thì thành cái gì?"
Chẳng riêng gì những bạn nữ, những đứa con trai lớp tôi cũng nói nhiều chẳng kém. Thầy hiệu trưởng đã đích thân lên lớp tôi nhắc nhở nhiều lần vì cái tội đùa nhau trong giờ học khiến các lớp khác không thể học được. Lớp tôi vẫn chứng nào tật đấy đến mực 3 lần thầy lập biên bản rồi hạ thi đua của lớp.
Thời gian đó, chúng tôi phải học cả ngày ở trường để ôn thi học kì, tốt nghiệp. Đến trưa,tan học, những đứa nhà xa nên ở lại lớp để chiều đi học luôn. Mỗi đứa một âu cơm, rau, cá...bày ra bàn học rồi túm tụm lại ăn. Những bữa cơm gắn kết chúng tôi gần nhau hơn nữa. Ăn xong, cả lũ chia nhau ra mỗi đứa một cái bàn rồi lăn ra ngủ. Đến giờ học , cô lên lớp mà đứa nào đứa nấy vẫn ngáp ngắn ngáp dài.
Những giờ ra chơi, mấy đứa chúng tôi – Chinh, Trang, Tân, An, và tôi lại ra hành lang đứng nhìn xuống phía sân trường. Chúng tôi nói chuyện về việc học, về những lo lắng cho kỳ thi tốt nghiệp rồi thi đại học gần kề. Những giai điệu của bài hát " Tạm biêt nhé" – Lynk Lee được vang lên từ chiếc điện thoại. Chinh và Trang ôm nhau khóc. Tôi dựa vào cột mà khuộn mặt choán ngợp trong nỗi buồn. Tôi chẳng biết an ủi gì. Tôi chỉ biết im lặng đứng nhìn mà trong tim đau. Tôi chỉ biết gọi những cảm xúc khi ấy là "nuối tiếc về những gì đã qua và muốn níu giữ thời gian mãi ở khoảng khắc tươi vui bên nhau này".
Cuối cùng chúng tôi đã thi xong tất cả các môn. Giờ chỉ chờ tổng kết năm học và thi tốt nghiệp. Lúc này, tâm trạng khá lo lắng, suy nghĩ nhiều về tương lai. Lúc nào tôi cũng tự hỏi rằng liệu mình có đạt được ước mơ là đặt chân vào cánh của đại học. Tôi hoang mang về con đường phía trước. Dẫu vậy, tôi vẫn tự an ủi bản thân bằng cách cố nhen nhóm lên những hi vọng về những điều tốt đẹp sẽ đến với mình. Tôi vùi đầu vào ôn lại những kiến thức đã học và cố gắng bổ sung thêm những phần mà mình còn kém.
Buổi học cuối cùng – chẳng ai trong lớp chúng tôi mong đợi cả. Đến lớp, mọi người vẫn cười đùa, chẳng có đứa nào có vẻ gì buồn cả. Có lẽ mọi người đang cố nén cảm xúc ở trong lòng mà chỉ để cho những niềm vui được thể hiện trên gượng mắt. Cả lớp chúng tôi nghĩ ra nhiều trò chơi để làm cho buổi học cuối cùng trở nên ý nghĩa. Chúng tôi quyết định cùng nhau chạy nhảy xuống sân trường, chơi trò đuổi nhau, bịt mắt bắt dê. Cả sân trường ồn ã trong tiếng nói cười.
Cả lũ đạp xe xuống nhà Cao Hằng ở gần trường để chèo quả roi. Đây có lẽ sẽ là lần cuối cùng chúng tôi đạp xe cùng nhau đi trên những con đường thân quen đến trường này. 3 năm, một khoảng thời gian tưởng chừng như dài mà thật sự thì rất ngắn ngủi bởi rằng mới bỡ ngỡ bước ra từ ngôi trường làng hòa nhập vào một môi trường này, chỉ mới kịp thân nhau, sát cánh bên nhau một thời gian mà giờ phút chia xa đã đến rồi.
Ăn no nê, quậy phá tưng bừng ở nhà Cao Hằng, cả lũ nháo nhác kéo nhau về lớp. Cô Thảo – Cô chủ nhiệm lên lớp sinh hoạt buổi cuối cùng. Bây giờ tôi mới cảm nhận được sao lớp học ngột ngạt quá, rơi sâu vào im lặng. 44 con người ngồi ở dưới cúi găm mặt xuống bàn. Cô Thảo thì nhìn ra ngoài cửa sổ, ánh mắt cô đong đây nỗi buồn. Tôi ngồi đó – bên khung cửa sổ đã gắn bó với tôi những năm tháng qua. Tôi nghe thấy tiếng gió xào xạc trên những lá cây keo. Nắng đang trải màu vàng như mật lên sân trường, trên những hàng cây và chiếu vào lớp học. Chẳng ai nói một câu nào rồi bỗng nhiên nấc lên những tiếng nghẹn ngào. Cả lớp vỡ òa trong nước mắt. Ai cũng ôm nhau khóc, ướt đẫm vai. Những lời nói nghẹn ứ ở cổ mà sao nghe đến xé lòng: " Mày ơi. Xa nhau rồi. Tao nhớ mày lắm.Tao nhớ những năm tháng đã qua mà tao đã gắn bó với mày lắ. Tớ nhớ lớp mình lắm...".
Học sinh hướng mắt về phía cô chủ nhiệm. Ngồi ở trên bàn giáo viên mà mắt rưng rưng, cô nói:
- - Cô xin lỗi lớp. Những ngày qua, cô đã không có nhiều thời gian bên lớp do bộn bề công việc khi mà cô vừa xây dựng gia đình và có em bé. Cô xin lỗi các em nhiều. Thời gian vừa qua, cô được làm giáo viên chủ nhiệm của các em. Cô thật sự rất hạnh phúc. Giờ đây, cô chẳng biết nói gì hơn nữa. Cô hi vọng rằng rời xa mái trường này, một ngày nào đó không xa, các em sẽ về thăm lại nơi thân thương gắn với bao nhiêu kỷ nieenjm của tuổi học trò này, thầy cô. Cô chúc các em sẽ luôn thành công trên con đường phía trước. Các em nhé.
Cô nói xong. Cả lớp ào ạt chạy lên ôm cô mà nghẹn ngào chẳng nói thành lời. Chỉ có những cái ôm thật chặt và thẫm đẫm trong những giọt nước mắt của giờ phút chia tay.
Trời nắng chang chang. Bỗng dưng, từ đâu mây đen kéo đến kín cả bầu trời. Những hạt mưa rơi nổi bọt trắng xóa trên sân trường. Có lẽ trời cũng đang hòa chung nỗi buồn cùng con người chăng? Chẳng ai bảo ai một câu nào? Cả lớp nắm tay nhau chạy xuống sân trường cho mưa rơi hòa chung với nước mắt.
Sân trường nay, chúng ta đã có biết bao nhiêu những kỷ niệm. Những buổi sáng thứ 2, cả trường tập trung chào cờ. Những lần đi lao động, Những đứa tinh nghịch lớp 12C2 ngồi ở góc sân trường túm tụm đuổi nhau, trò chuyện đến mức bác bảo vệ ra đuổi rồi còn dọa sẽ lập biên bản. Những hàng nghế đá dưới những tán bàng, nơi ghi dấu biết bao nhiêu những kỉ niệm. Lớp học ở trên tang 2 kia, nơi có cửa sổ nhìn xuống sân trường mà tôi đã thả hồn theo gió theo mây, theo những tiếng chim líu lo trên những cây keo cao vời vợi che cả một khoảng trời kia. Tất cả đã mặc sức cho một chàng trai lớp chọn văn đa sầu đa cảm có những lãng mạn, có những hồn nhiên của tuổi mới lớn kia.
Mới đó thôi mà giờ đây, tôi đã là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội. Tôi đã xa ngồi trường cấp 3 này cũng khoảng 2 năm mà chưa có dịp trở lại thăm trường. Nghỉ hè lần này, tôi quyết định sẽ quay lại ngôi trường. Cây phượng đã thưa thướt hoa. Hoa bằng lăng cũng nhạt dần có lẽ do trận mưa hôm qua đã xé tan tành. Tôi xin phép bác bảo về được vào sân trường. Tôi ngồi ở ghế đá mà hướng lên lớp học 12C2 yêu dấu trên tầng 2. Ngôi trường đã phủ nhiều lớp rêu phong. Tôi ngồi đó mà tất cả kỷ niệm chợt ua về sống động.
Thời gian trôi qua nhanh quá chẳng cho ai có thể quay trở lại để sống cho những năm tháng đã qua. Tất cả đã rơi vào quá khứ mà tôi gọi nó với cái tên thân thương. Đó là " những kỷ niệm đã qua của tuổi học trò nhiều mơ mộng".
Cánh phương đỏ báo hiệu sự chia ly. Cánh phượng rơi trên sân trường lặng lẽ tiễn đưa bao nhiêu thế hê học sinh ra trường. Cánh phượng còn đọng những giọt nước mắt của sự nuối tiếc của học sinh.
Hoàng Tuân